Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện, Thị xã, Thành phố
Chuyển đổi số là việc của ai?
Ngày cập nhật 18/07/2024

Chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện. Do vậy, đối với một tổ chức, thứ nhất, vì là sự thay đổi nên trước tiên đó là việc của người lãnh đạo, của người đứng đầu, vì nếu người đứng đầu, người lãnh đạo không đi tiên phong, không khởi xướng việc triển khai chuyển đổi số thì không ai khác có thể làm. Thứ hai, vì là tổng thể và toàn diện nên đó là việc của tất cả mọi thành viên trong tổ chức.

 

Nhà lãnh đạo chuyển đổi số là ai?

Nhà lãnh đạo chuyển đổi số là người đứng đầu tổ chức, có tầm nhìn, thiết lập được sứ mệnh cho tổ chức, có niềm tin là công nghệ số, chuyển đổi số sẽ giúp giải quyết những vấn đề nhức nhối của tổ chức mình và kiên định với mục tiêu đặt ra.

Nhà lãnh đạo chuyển đổi số không nhất thiết và không cần phải hiểu biết sâu về công nghệ số. Điều quan trọng nhất đối với nhà lãnh đạo là biết đặt ra bài toán. Nhà lãnh đạo chuyển đổi số phải là người có khát vọng thay đổi, là người dám chấp nhận cái mới và dám cho cái mới một cơ hội.

Ở Việt Nam, tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, lần đầu tiên Nghị quyết của Đảng khẳng định đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo là một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 và thực hiện chuyển đổi số quốc gia là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XIII. Trước đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03 tháng 6 năm 2020 phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” với mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực di ra toàn cầu.

Chuyển đổi số liên quan đến sự thay đổi và do vậy nó là vấn đề về thể chế nhiều hơn là vấn đề về công nghệ. Để việc dẫn dắt tiến trình chuyển đổi số quốc gia được thuận lợi, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành Trung ương dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ kiện toàn Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử và đổi tên Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử thành Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số do Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch. Việc này thể hiện rõ cam kết mạnh mẽ của người đứng đầu Chính phủ đối với công cuộc chuyển đổi số của đất nước.

Tại Phiên họp lần thứ nhất của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số vào ngày 30 tháng 11 năm 2021, Thủ tướng Chính phủ - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đã phát biểu: “Từ xu thế thế giới, thực tiễn đất nước, chuyển đổi số là yêu cầu, đòi hỏi khách quan. Chủ trương của Đảng đã xác định rõ, vấn đề là chúng ta tổ chức thực hiện cho thực sự có hiệu quả, đặc biệt trong thời điểm hiện nay, chuyển đổi số đang góp phần vào khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), phòng chống dịch có hiệu quả, góp phần bảo vệ an ninh quốc phòng của đất nước, góp phần vào xu thế hội nhập, nâng cao vai trò, vị thế, tiềm lực và uy tín của đất nước”.

Chúng ta dễ dàng nhận thấy đây chính là một lời kêu gọi hành động cho những người gánh vác trọng trách đứng đầu các cơ quan nhà nước trong hệ thống chính trị.

Chuyển đổi số là việc không thể không làm và không thể đứng ngoài cuộc

Các nước trên thế giới đang đón nhận và thúc đẩy chuyển đổi số ở những mức độ khác nhau. Nhưng có một điểm chung là tất cả đều nhận thức rằng chuyển đổi số hôm nay sẽ quyết định lợi thế cạnh tranh cũng như sự thịnh vượng của đất nước họ trong nhiều thập kỷ tới. Có vẻ như các nước đi đầu trong cuộc cách mạng công nghiệp trước đang có lợi thế. Tuy nhiên, trong thời đại chuyển đổi số, lịch sử sẽ thay đổi, những nước đi sau lại có thể đi trước, và vì thế chuyển đổi số có thể giúp thay đổi vị thế, thứ hạng quốc gia. Tại Việt Nam, các quan điểm và định hướng trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia để giúp đất nước bứt phá trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã được xác định cụ thể như sau:

Thứ nhất, chuyển đổi số là xu thế tất yếu của thế giới, là đòi hỏi khách quan của sự phát triển. Chúng ta không thể không làm, không thể đứng ngoài cuộc.

Thứ hai, chuyển đổi số tác động tới tất cả cơ quan, đơn vị, địa phương. Do đó, tất cả các cơ quan, đơn vị, địa phương phải bắt tay vào làm, như vậy mới tạo ra hệ thống tổng thể và liên thông, từ Trung ương tới cấp cơ sở.

Chuyển đổi số tác động tới mọi người dân, cho nên, phải lấy người dân làm trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực cho chuyển đổi số. Mọi chính sách đều hướng về người dân, doanh nghiệp và người dân, doanh nghiệp cần tham gia vào quá trình chuyển đổi số.

Thứ ba, phải có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, có cách làm phù hợp, nhất là bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn khách quan để xây dựng chương trình, kế hoạch chuyển đổi số. Làm việc có trọng tâm, trọng điểm, nguồn lực ít nhưng phải có hiệu quả lớn, sức lan tỏa rộng, mang lại lợi ích cho nhiều người, nhiều doanh nghiệp.

Thứ tư, phải có đầu tư thích đáng cho hoàn thiện thể chế, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, quản trị trên cơ sở khoa học, hợp lý, hiệu quả. Đẩy mạnh hợp tác công - tư trong chuyển đổi số; lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư nhân, kích hoạt mọi nguồn lực cho xã hội để phục vụ chuyển đổi số với cả 03 trụ cột chính bao gồm Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt, làm việc nào dứt điểm việc đó.

Thứ năm, tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, đo lường, đánh giá hiệu quả của chuyển đổi số. Tăng cường công tác thông tin truyền thông để tạo sự đồng thuận, sự hưởng ứng của người dân, doanh nghiệp để cùng vào cuộc với các cấp chính quyền. Giải quyết tốt mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội để thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số. Phát triển hài hòa, hợp lý, gắn kết giữa công nghệ và cải cách hành chính. Phát triển chuyển đổi số cần có sự kế thừa và đổi mới, sáng tạo.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã phát biểu rằng “Trong chuyển đổi số, cơ hội xuất phát từ việc dám đi đầu, dám chấp nhận cái mới và dám đương đầu với thử thách”.

Chúng ta tin tưởng rằng dưới sự lãnh đạo và chỉ đạo quyết liệt của người đứng đầu Chính phủ, Việt Nam chắc chắn sẽ tận dụng tốt cơ hội mà chuyển đổi số mang lại để phát triển đất nước ngày càng phồn vinh, thịnh vượng.

Lãnh đạo cần những kỹ năng gì trong chuyển đổi số?

Dưới đây là một số kỹ năng mà người lãnh đạo chuyển đổi số của 1 tổ chức cần phải có:

Thứ nhất là giao tiếp: Đây là chìa khóa trong việc lãnh đạo. Nếu trước kia người lãnh đạo khó có thể “với tới” mọi nhân viên, thì với công nghệ ngày nay, các nhà lãnh đạo số có thể tạo dựng một mạng lưới truyền thông mạnh mẽ từ cấp cao nhất đến mọi ngóc ngách của tổ chức. Các nhà lãnh đạo cần phát triển kỹ năng giao tiếp hiệu quả với cấp dưới để đạt được kết quả mong muốn, đồng thời nhận được sự tôn trọng từ họ. Giao tiếp chính là cách nhanh nhất và là chìa khoá giúp nhà lãnh đạo kết nối, khai phá năng lực của nhân viên và gia tăng hiệu suất lao động.

- Thứ hai là tầm nhìn: người lãnh đạo chuyển đổi số phải nhận thức được vai trò quan trọng của chuyển đổi số đối với sự phát triển của tổ chức trong tương lai. Để giúp mọi người nhận ra và tin tưởng và chiến lược chuyển đổi số, nhà lãnh đạo cần đưa ra được một bức tranh sống động về những lợi ích tuyệt vời mà chuyển đổi số mang lại. Từ đó mọi người trong tổ chức cùng nhau thực hiện tốt hơn để đạt được kết quả theo định hướng, mục đích của nhà lãnh đạo.

- Thứ ba là kiến thức số: Kiến thức số là một trong những năng lực mà mỗi cá nhân cần có trong môi trường số, đặc biệt là các nhà lãnh đạo, những người định hướng và phát triển của một tổ chức. Trong bối cảnh hiện nay, Nếu những nhà lãnh đạo cập nhật các kiến thức nhanh chóng, hiểu rõ và nắm bắt thông tin kịp thời sẽ trờ thành những nhà lãnh đạo chuyển đổi số giỏi nhất và sáng giá nhất. Vấn đề đặt ra là nhiều người thuộc thế hệ cũ đang phải cố gắng tìm hiểu những công nghệ số mới để không bị tụt hậu so với thế hệ trẻ và phải biết chọn lọc học những gì đủ để lãnh đạo những người trẻ hơn với nhiều kiến thức công nghệ hơn mình.

- Thứ tư là chiến lược: Người lãnh đạo chuyển đổi số không chỉ cần mỗi tầm nhìn và kiến thức số mà còn phải có chiến lược rõ ràng và chi tiết cho chuyển đổi số trong đó cam kết các nguồn lực và thực hiện những thay đổi cần thiết để biến tầm nhìn thành hiện thực.

- Thứ năm là đổi mới sáng tạo: Với sự thay đổi nhanh chóng ngày nay, người lãnh đạo chuyển đổi số phải sẵn sàng thử các công nghệ mới và phải dễ thích nghi, linh hoạt hơn trong cách tiếp cận để tạo ra môi trường làm việc số.

- Thứ sáu là chấp nhận rủi ro: Việc thay đổi và đưa cái mới vào hoạt động của một tổ chức là điều mà nhiều nhà lãnh đạo thường rất thận trọng vì nó chứa đựng nhiều rủi ro. Tuy nhiên, chấp nhận rủi ro là một yếu tố, kỹ năng quan trọng của người lãnh đạo chuyển đổi số bởi vì đổi mới là không thể nếu không có rủi ro.

- Thứ bảy là khả năng thích nghi: Chuyển đổi số có thể dẫn tới những sự thay đổi đột ngột, phá vỡ hiện trạng của tổ chức, có thể ảnh hưởng tới thành công của tổ chức. Người lãnh đạo chuyển đổi số cần có sự linh hoạt, khả năng thích nghi, sẵn sàng đưa ra các quyết định một cách nhanh chóng để có thể giữ cho tổ chức của mình đi đúng hướng, giảm thiểu tối đa các tác động tiêu cực.

- Thứ tám là biết phát hiện tài năng: có một câu nói rất nổi tiếng đó là “Một nhà lãnh đạo tài năng là biết khai thác và tận dụng nhân tài”. Các nhà lãnh đạo chuyển đổi số không nhất thiết phải tự mình làm mọi thứ, nhưng họ cần có khả năng thuê và phát triển những tài năng tốt nhất để không chỉ làm cho họ mà còn đưa tổ chức của mình tới thành công lớn hơn.

Để đưa ra một ví dụ minh họa, nếu coi hành trình đi Tây Trúc thỉnh kinh là quá trình chuyển đổi số, thì Đường Tăng là một nhà lãnh đạo chuyển đổi số xuất sắc. Ông xác lập tầm nhìn đúng, có niềm tin tuyệt đối và luôn kiên định với mục tiêu đã đặt ra. Ông có quan hệ tốt với nhiều lực lượng và luôn được giúp đỡ khi gặp khó khăn. Tôn Ngộ Không là một chuyên gia công nghệ số xuất sắc với 72 phép thần thông biến hóa. Sa Tăng là thành viên tuân thủ mẫn cán, còn Trư Bát Giới là thành viên luôn tìm cách đối phó, muốn kết thúc chuyến đi để quay lại Cao lão trang.

Người tham gia chuyển đổi số là ai?

Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đã xác định rõ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ ở các cấp và sự tham gia của toàn dân là yếu tố bảo đảm sự thành công của chuyển đổi số. Như vậy có thể thấy tất cả mọi cơ quan, tổ chức, người dân đều phải tham gia vào chuyển đổi số. Ở góc độ của một tổ chức, có thể phân loại khái quát thành hai loại tham gia chính như sau.

Một loại tham gia nghiêm chỉnh và tuân thủ theo chỉ đạo, định hướng, quy chế của tổ chức. Một loại tham gia đối phó và luôn tìm lý do để không thay đổi.
Vì vậy, nhà lãnh đạo chuyển đổi số cần kiên định.

Chuyển đổi số trong xã hội nhằm hình thành xã hội số. Xã hội số, xét theo nghĩa rộng, là bao trùm lên mọi hoạt động của con người. Động lực chính của xã hội số là công nghệ số, dựa trên sự tăng trưởng thông tin, dữ liệu một cách nhanh chóng làm thay đổi mọi khía cạnh của tổ chức xã hội, từ chính phủ, kinh tế cho tới người dân. Xã hội số, xét theo nghĩa hẹp, gồm công dân số và văn hóa số. Theo nghĩa này, xã hội số, cùng với chính phủ số và kinh tế số tạo thành ba trụ cột của một quốc gia số.

Thế nào là chuyển đổi số lấy người dân là trung tâm?

Điện thoại di động thông minh là phương tiện chính của người dân trong thế giới số, vì vậy, chuyển đổi số lấy người dân là trung tâm trước hết phải trang bị phương tiện cho người dân, thông qua việc thực hiện phổ cập điện thoại di động thông minh. Mỗi người dân một điện thoại thông minh. Mỗi hộ gia đình một đường cáp quang.

Các lĩnh vực có tác động xã hội lớn, liên quan hàng ngày tới người dân,  mang lại hiệu quả, giúp tiết kiệm chi phí cần ưu tiên chuyển đổi số trước, bao gồm: Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Tài chính - Ngân hàng, Nông nghiệp, Giao thông vận tải, Năng lượng, Tài nguyên và Môi trường, Sản xuất công nghiệp.

Ứng dụng công nghệ thông tin, rồi chuyển đổi số, đã đi qua những chặng đường phát triển khác nhau.

- Thứ nhất là doanh nghiệp công nghệ có giải pháp, có ứng ứng dụng. Đây là giai đoạn mà nhà công nghệ, doanh nghiệp là người dẫn dắt.

- Thứ hai là chính quyền hiểu công nghệ hơn, tin vào công nghệ hơn và bắt đầu đặt ra các bài toán của chính quyền cho doanh nghiệp công nghệ để họ giải quyết bằng công nghệ. Người dẫn dắt là chính quyền.

- Thứ ba là lấy người dân làm trung tâm, các bài toán chính quyền đặt ra là do lắng nghe từ người dân, xuất phát từ nhu cầu của người dân, mang lại giá trị cho người dân. Chính quyền đưa người dân vào trung tâm.

- Thứ tư là sự tham gia của bốn bên ngay từ đầu, đó là người dân, chính quyền, nhà công nghệ và doanh nghiệp. Bốn bên này sẽ cùng bàn xem cái gì và cách nào để giải quyết các nhu cầu của người dân, của doanh nghiệp, của chính quyền.

Vậy cách tiếp cận đúng là tất cả là vì sự phát triển bền vững, mọi việc luôn có sự bàn bạc của cả bốn bên ngay từ đầu.

Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư, công nghệ số không phải vấn đề quan trọng nhất, mà sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ ở các cấp và sự tham gia của toàn dân mới là yếu tố đảm bảo sự thành công của chuyển đổi số, thay đổi thứ hạng quốc gia. Khi toàn dân cùng tham gia, họ sẽ tìm ra công nghệ số phù hợp, sẽ tìm ra cách giải phù hợp và vì thế chuyển đổi số sẽ thành công.

Chuyển đổi số còn là câu chuyện chung của tất cả các doanh nghiệp, không phân biệt ngành, nghề. Chuyển đổi số là sân chơi của tất cả doanh nghiệp mà ở đó bất kỳ ai đủ nhanh nhạy đều có thể nắm được thời cơ.

Doanh nghiệp công nghệ số chỉ là một phần nhỏ, là những người tạo ra công nghệ số hoặc tư vấn ứng dụng công nghệ số. Những doanh nghiệp khác dùng công nghệ số để thực hiện chuyển đổi số mới là phần lớn và là phần quan trọng nhất.

Công dân số là ai?

Công dân số là những công dân có kiến thức và kỹ năng sử dụng hiệu quả các công nghệ số để giao tiếp với người khác, tham gia vào hoạt động chính trị, kinh tế, xã hội một cách an toàn và có trách nhiệm. Nói đơn giản thì những công dân số là những công dân biết sống trên môi trường số.

Chín yếu tố cấu thành công dân số bao gồm:

- Khả năng truy cập các nguồn thông tin số;

- Khả năng giao tiếp trong môi trường số;

- Kỹ năng số cơ bản;

- Mua bán hàng hóa trên mạng;

- Chuẩn mực đạo đức trong môi trường số;

- Bảo vệ thể chất và tâm lý trước các ảnh hưởng từ môi trường số;

- Quyền và trách nhiệm của công dân trong môi trường số;

- Định danh và xác thực;

- Dữ liệu cá nhân và quyền riêng tư trong môi trường số.

Có ba nguyên tắc được phổ biến rộng rãi để mọi người biết được quyền và cách sử dụng công nghệ số có trách nhiệm là tôn trọng, giáo dục và bảo vệ.

Tôn trọng có nghĩa là quan hệ của mỗi người với người khác trên không gian số, gồm các yếu tố về nghi thức (việc dùng công nghệ số của mỗi người ảnh hưởng đến người khác như thế nào), quyền truy nhập (là sự giúp đỡ, hướng dẫn của những người hiểu biết hơn đối với những người ít hiểu biết hơn về công nghệ) và luật pháp (là sự tôn trọng đối với bản quyền sở hữu trí tuệ).

Giáo dục có nghĩa là việc mọi người cần được giáo dục về môi trường số và công nghệ số.

Bảo vệ có nghĩa là việc mỗi người phải biết tự bảo vệ mình và bảo vệ người khác hiểu về quyền lợi và trách nhiệm (quyền riêng tư, ngôn luận và giao tiếp), bảo mật (biết cách bảo vệ thiết bị và dữ liệu của mình, bảo mật thông tin chung), sức khỏe và bảo vệ sức khỏe (cân bằng giữa thế giới số và thế giới thực).

Vào năm 2025, đại đa số người dân trên thế giới sẽ trải qua sự thay đổi to lớn chỉ trong vòng một thế hệ: Từ chỗ gần như không tiếp cận được thông tin đến chỗ có thể truy cập tất cả thông tin trên thế giới thông qua điện thoại di động thông minh.

Văn hóa số là gì?

Văn hóa trong xã hội thực hình thành qua hàng trăm năm, hàng nghìn năm. Còn xã hội số mới chỉ đang hình thành trong vài chục năm trở lại đây.

Vì vậy, văn hóa số cũng mới chỉ đang hình thành, đó là các quy tắc ứng xử, chuẩn mực đạo đức và sự hưởng thụ các giá trị văn hóa của con người trong môi trường số.

Còn nhớ vào năm 1997, lần đầu tiên người dân nước ta tiếp cận với Internet – một trong những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 3. Khi ấy, nhiều người bắt đầu học cách tạo một tài khoản e-mail để trao đổi thông tin, học cách sử dụng ứng dụng mạng xã hội để trò chuyện… Đây có thể nói là một bước chuyển ngoạn mục. Và đến thế kỷ 21, kế thừa các phát minh vượt trội của 3 cuộc cách mạng công nghiệp trước đó, đồng thời đổi mới để thích nghi với nhu cầu sống hiện đại, công nghệ 4.0 được hình thành với sứ mệnh chuyển hóa thế giới thật thành thế giới số, tiếp tục đem đến những thay đổi vô cùng mạnh mẽ. Trong tất cả các đổi mới, công nghệ là lĩnh vực phản ánh chân thật và nổi bật nhất sự bùng nổ của cuộc cách mạng này. Với các phát minh của thời đại số, Việt Nam bắt đầu xây dựng Chính phủ số, Kinh tế số, Xã hội số, Thành phố số, Doanh nghiệp số, Trường học số… Tuy nhiên đây là một quá trình đầy khó khăn, như Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính từng nói “nhiệm vụ chuyển đổi số quốc gia rất nặng nề, đòi hỏi phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả. Chuyển đổi số là quá trình chuyển đổi cả về tư duy, nhận thức và hành động; từ quy mô quốc gia hòa nhập với thế giới; chuyển từ thủ công truyền thống sang môi trường số; phải đổi mới căn bản, toàn diện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý, quản trị, điều hành; đổi mới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân nhằm tăng năng suất lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và quốc gia, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả”. Chỉ khi mỗi người đều cùng nhau “Chuyển đổi số” như đã từng tạo một e-mail, một tài khoản mạng xã hội, khi ấy quá trình “Chuyển đổi số” mới thành công. “Chuyển đổi số” giúp thay đổi nhận thức và ngược lại muốn “Chuyển đổi số” thành công cần phải tập trung vào “Chuyển đổi nhận thức”. Và muốn thay đổi nhận thức, các tổ chức cần xây dựng một môi trường văn hóa số. Khi xây dựng được văn hóa số sẽ giúp các tổ chức trở nên linh hoạt hơn, khuyến khích lực lượng lao động nâng cao khả năng ứng phó với những thử thách mới và duy trì quá trình chuyển đổi số; Giúp tổ chức duy trì sức cạnh tranh thông qua khả năng thích ứng với mọi hoàn cảnh, khai thác hiệu quả công nghệ vào toàn bộ quá trình hoạt động.

Những ví dụ thực tiễn về chủ thể chuyển đổi số trong một số lĩnh vực ưu tiên

Trong lĩnh vực nông nghiệp, trước đây người nông dân chủ yếu sử dụng phương thức canh tác, sản xuất lạc hậu, thô sơ “chồng cày vợ cấy, con trâu đi bừa” với những kinh nghiệm được đúc kết bằng con mắt tinh tế cũng như sự trải nghiệm của họ: “Lúa chiêm nép ở đầu bờ/ Hễ nghe tiếng sấm, phất cờ mà lên”. Trong bối cảnh chuyển đổi số ngày càng sâu rộng như hiện nay, với vai trò là chủ thể, họ được tiếp cận khoa học công nghệ và kỹ thuật tiên tiến, hiện đại. Từ đó áp dụng vào thực tiễn hoạt động sản xuất, không những tăng sản lượng mà còn nâng cao chất lượng sản phẩm thu hoạch.

Trong lĩnh vực giáo dục, các giảng viên, giáo viên trong ngành tích cực tham gia vào công cuộc chuyển đổi số, phát triển nền tảng hỗ trợ dạy và học từ xa, ứng dụng triệt để công nghệ số trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập; số hóa tài liệu, giáo trình; xây dựng nền tảng chia sẻ tài nguyên giảng dạy và học tập theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến. Phát triển công nghệ phục vụ giáo dục, hướng tới đào tạo cá thể hóa.

Trong lĩnh vực y tế, phát triển nền tảng hỗ trợ khám, chữa bệnh từ xa để hỗ trợ người dân được khám, chữa bệnh từ xa, giúp giảm tải các cơ sở y tế, hạn chế tiếp xúc đông người, giảm nguy cơ lây nhiễm chéo; 100% các cơ sở y tế có bộ phận khám, chữa bệnh từ xa; thúc đẩy chuyển đổi số ngành y tế.

Trong thời gian vừa qua, chúng ta đã xây dựng và từng bước hình thành hệ thống chăm sóc sức khỏe và phòng bệnh dựa trên các công nghệ số; ứng dụng công nghệ số toàn diện tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh góp phần cải cách hành chính, giảm tải bệnh viện, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, sử dụng hồ sơ bệnh án điện tử tiến tới không sử dụng bệnh án giấy, thanh toán viện phí, hình thành các bệnh viện thông minh; xây dựng nền tảng quản trị y tế thông minh dựa trên công nghệ số, tích hợp thông tin, dữ liệu, hình thành cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế.

Thử nghiệm triển khai sáng kiến “Mỗi người dân có một bác sĩ riêng” với mục tiêu mỗi người dân có một hồ sơ số về sức khỏe cá nhân, trên cơ sở đó được bác sĩ tư vấn, chăm sóc cho từng người dân như là bác sĩ riêng, hình thành hệ thống chăm sóc y tế số hoàn chỉnh từ khâu chăm sóc sức khỏe ban đầu, dự phòng đến điều trị.

Tạo hành lang pháp lý để tạo điều kiện cho khám chữa bệnh từ xa và đơn thuốc điện tử cho người dân, nhằm bảo đảm người dân có thể tiếp xúc bác sỹ nhanh, hiệu quả, giảm chi phí và thời gian vận chuyển bệnh nhân.

Cung cấp các khóa học đại trà trực tuyến mở cho tất cả người dân nâng cao khả năng tiếp cận giáo dục nhờ công nghệ số, đào tạo, đào tạo lại, đào tạo nâng cao kỹ năng số. Phổ cập việc thi trực tuyến; công nhận giá trị của các chứng chỉ học trực tuyến; xây dựng nền tảng chia sẻ tài nguyên giảng dạy và học tập; phát triển các doanh nghiệp công nghệ phục vụ giáo dục hướng tới đào tạo cá thể hóa.

Trong lĩnh vực văn hóa, tháng 4/2021, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cho ra mắt ứng dụng thuyết minh đa phương tiện iMuseum VFA. Khách tham quan có thể sử dụng ứng dụng, kèm công nghệ quét mã QR và định vị iBeacon để xem 100 tác phẩm của Bảo tàng. Ứng dụng dùng cho cả tham quan trực tuyến hoặc trực tiếp. Sử dụng điện thoại di động hoặc máy tính bảng có kết nối Internet, trả phí sử dụng, khách tham quan có thể xem các tác phẩm tiêu biểu được trưng bày thường xuyên của Bảo tàng bất cứ lúc nào. Thời lượng cho mỗi lần sử dụng lên đến 8 giờ, với 8 ngôn ngữ. Khi quét mã QR code cạnh tác phẩm, hoặc chọn số tác phẩm trên hệ thống, khách tham quan sẽ được xem hình ảnh, thông tin về tác phẩm dưới dạng bài viết và bài đọc. Các tác phẩm được lựa chọn trong ứng dụng thuyết minh gồm 9 bảo vật quốc gia và 91 tác phẩm chọn ngẫu nhiên nằm rải rác ở các phòng trưng bày. Thời gian tới, Bảo tàng sẽ bổ sung thêm các hiện vật và thông tin lên ứng dụng.

Trong lĩnh vực giao thông vận tải và kho vận, phát triển hệ thống giao thông thông minh, tập trung vào các hệ thống giao thông đô thị, các đường cao tốc, quốc lộ. Chuyển đổi các hạ tầng logistics (như cảng biển, cảng thủy nội địa, hàng không, đường sắt, kho vận…).

Phát triển các nền tảng kết nối giữa các chủ hàng, các nhà giao vận và khách hàng để phát triển thành một hệ thống một cửa để cho phép chủ hàng có thể tìm ra phương tiện tối ưu trong việc vận chuyển hàng hóa và tìm các kho bãi chính xác cũng như hỗ trợ việc đóng gói và hỗ trợ đăng ký, hoàn thiện các quá trình xử lý các văn bản hành chính liên quan.

Chuyển đổi việc quản lý kết cấu hạ tầng giao thông, phương tiện kinh doanh vận tải, quản lý người điều khiển phương tiện, cho phép quản lý kết cấu hạ tầng giao thông số, đăng ký và quản lý phương tiện qua hồ sơ số, cấp và quản lý giấy phép số người điều khiển phương tiện.

Trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, xây dựng các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu lớn toàn diện nhằm quản lý hiệu quả lĩnh vực tài nguyên và môi trường, cụ thể như: Cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia; các cơ sở dữ liệu về nền địa lý quốc gia; quan trắc tài nguyên và môi trường; đa dạng sinh học; nguồn thải; viễn thám; biển và hải đảo; biến đổi khí hậu; khí tượng - thủy văn; địa chất - khoáng sản; xây dựng bản đồ số quốc gia mở làm nền tảng phát triển các dịch vụ số phát triển kinh tế - xã hội; triển khai các giải pháp thông minh trong quan trắc, giám sát, quản lý, xử lý sự cố môi trường, cảnh báo sớm thiên tai.

Trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, chuyển đổi số trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp theo hướng chú trọng phát triển các trụ cột: xây dựng chiến lược và cơ cấu tổ chức thông minh, xây dựng nhà máy thông minh, vận hành thông minh, tạo ra các sản phẩm thông minh, xây dựng dịch vụ về dữ liệu và phát triển kỹ năng số cho người lao động.

Chuyển đổi số giúp người dân bình đẳng về cơ hội tiếp cận dịch vụ, đào tạo, tri thức, qua đó giúp thu hẹp khoảng cách số thông qua việc phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Chính phủ số nhờ dữ liệu số và công nghệ số thấu hiểu người dân hơn, vì vậy, cung cấp dịch vụ số tốt hơn, chăm sóc người dân tốt hơn. Một đứa trẻ khi sinh ra được cấp một mã định danh duy nhất, đến kỳ thì gia đình nhận được thông báo đi tiêm phòng từ chính quyền, đến tuổi đi học thì chính quyền dựa trên số liệu dân cư để quyết định phân bổ cơ sở vật chất của các cơ sở giáo dục, tránh nơi bị thừa, nơi lại thiếu, đến tuổi trưởng thành thì tự động nhận được căn cước công dân. Khi dịch bệnh bùng phát thì kịp thời nhận được cảnh báo, chăm sóc y tế.

Kinh tế số cho phép mỗi người dân có thể tiếp cận toàn bộ thị trường một cách nhanh chóng theo cách chưa từng có. Nếu như trước đây, người dân mang hàng ra chợ bán thì chỉ tiếp cận được vài chục đến vài trăm người trong khu vực địa lý hạn chế của mình. Còn hiện nay, với thương mại điện tử, người dân có thể bán hàng cho hàng triệu người, trên toàn thế giới.

Mỗi người dân với một chiếc điện thoại thông minh, mỗi hộ gia đình một đường cáp quang là có thể trở thành một doanh nghiệp, là có thể tiếp cận cả thế giới.

 

Ai là người xây dựng chiến lược và lộ trình chuyển đổi số của tổ chức?

Thông thường, việc xây dựng chiến lược và lộ trình chuyển đổi số của một tổ chức thường bắt đầu với việc thuê tư vấn. Tuy nhiên, với vai trò là người đứng đầu của tổ chức, người lãnh đạo cũng cần tự phác họa ra một chiến lược chuyển đổi số riêng cho mình. Sở dĩ vậy vì xây chiến lược chuyển đổi số phải bắt đầu từ nhận thức và nắm rõ tình hình của tổ chức. Thêm nữa, chỉ tự mình đặt ra mục tiêu và lập lộ trình, tổ chức mới có quyết tâm cao để thực hiện chuyển đổi số.

Mỗi tổ chức nên thành lập một bộ phận chuyên trách phục vụ việc chuyển đổi số của mình. Đây là đơn vị đặc biệt cần có hiểu biết, nhận thức về chuyển đổi số rõ nhất cũng như có quyết tâm và hiểu rõ tình hình nội tại của tổ chức để có những quyết sách phù hợp.

Tuy nhiên để lập chiến lược và lộ trình chuyển đổi số hiệu quả, các tổ chức nên đồng hành cùng với các đối tác chuyên tư vấn xây dựng lộ trình chuyển đổi số.

Tổ chức chuyển đổi số là hạt nhân thực hiện việc lập lộ trình chuyển đổi số nhưng đồng hành cùng những đối tác bên ngoài với năng lực bổ trợ sẽ giúp mang lại một cách nhìn khách quan cho tổ chức.

Để thành công trong chuyển đổi số cần yếu tố gì?

Cần nhận thức rằng chuyển đổi số là một quá trình tất yếu khi môi trường đã khách quan thay đổi thành môi trường thực-số, và cùng lúc có nhiều đột phá và cộng hưởng của các công nghệ số. Chuyển đổi số là câu chuyện “sống còn” của các tổ chức, là việc phải làm không do dự, nếu chưa hiểu bắt buộc phải tìm hiểu. Sở dĩ vậy vì lịch sử tiến hóa của nhân loại là lịch sử thay đổi và thích nghi để tồn tại và phát triển mỗi khi có những thay đổi lớn của môi trường sống.

Bức tranh nổi tiếng “Những người kéo thuyền trên sông Volga” của họa sĩ người Nga - Ilya Repin được vẽ trong những năm 1870-1873. Bức tranh mô tả mười một người lao động với khuôn mặt cam chịu và dáng hình lầm lũi, đang còng lưng kéo con thuyền nặng phía sau. Ngoài hình ảnh lao động khổ cực của những người kéo thuyền, bức tranh còn mang một ý nghĩa sâu xa. Đoàn người rách rưới còng người kéo con thuyền khi phía xa một con tàu - chạy bằng động cơ hơi nước xuất hiện gần một trăm năm trước trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ nhất– đang nhả khói nhàn nhã lên trời.

Nhận thức của con người là yếu tố quan trọng nhất trong những yếu tố quyết định thành bại của chuyển đổi số. Nhận thức ở đây bao gồm tại sao phải chuyển đổi số và chuyển đổi số thế nào. Trong cuộc sống hàng ngày, mỗi con người, mỗi tổ chức đều bận rộn với những công việc, những lo toan trước mắt. Tuy vậy, bây giờ là thời điểm mỗi người cần dừng lại một chút, quan sát môi trường đang biến động nhanh xung quanh và xác định cho mình quyết tâm để chuyển đổi.

Trong bức tranh “Những người kéo thuyền trên sông Volga”, Ilya Repin (1870-1873) Những cuộc cách mạng công nghiệp đã tạo ra sự thay đổi to lớn của môi trường nhân tạo và do đó thay đổi môi trường sống của con người. Động cơ hơi nước vào cuối thế kỷ 18 đã tạo ra tàu thuỷ, tàu hoả, và thay đổi môi trường sống của con người với máy móc cơ khí. Năng lượng điện vào cuối thế kỷ 19 đã làm sáng lên những đêm tối hàng ngàn năm của loài người và đem lại cho con người sức mạnh dời non lấp bể. Từ những năm 70 của thế kỷ trước, con người có một môi trường sống mới với các thiết bị điện tử hiện đại và máy tính cá nhân đã thành một vật dụng quen thuộc hàng ngày của mọi người, mọi gia đình. Và từ hai thập kỷ qua mạng, Internet cùng những công nghệ số đã đem lại cho con người một môi trường mới, môi trường thực-số, một sự thay đổi kỳ diệu của môi trường sống trong lịch sử loài người.

Năm 1864, sau khi cùng phái bộ đi Pháp đàm phán về Hòa ước Nhâm Tuất, khâm sai Phạm Phú Thứ dâng lên vua và triều thần hai tập bản thảo “Tây hành nhật ký” (nhật ký đi sứ phương Tây) và “Tây phù thi thảo” (bản thảo tập thơ đi sứ phương Tây) cùng các tài liệu ông sưu tầm và biên soạn như sách nói về khoa học, phương pháp khai mỏ, cách đi biển, cách thức giao thiệp quốc tế, cùng với những đề nghị thay đổi chính sách và cải cách đất nước. Tuy nhiên, chúng không được vua Tự Đức và các đại thần bảo thủ chấp nhận. Khi ánh điện đã bừng sáng khắp trời Âu thì triều đình nước Nam vẫn ngơ ngác chuyện lạ “đèn thắp không dầu, ngọn lửa chúc xuống” khi nghe tả về đèn điện.

Tiến bộ của khoa học và công nghệ đã làm thay đổi môi trường sống của con người lần thứ ba khi các máy móc điện tử và máy tính cá nhân trở nên phổ biến trong cuộc sống hàng ngày của mọi người. Ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin và xây dựng chính phủ điện tử là những thay đổi tiêu biểu trên môi trường số của giai đoạn vừa qua trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ ba.

Môi trường thực-số đem lại cho con người những cơ hội to lớn để sống tốt đẹp và phát triển bền vững. Đấy chính là việc vạn vật trên đời có thể được số hóa, được kết nối, và được điều khiển bằng tính toán để hoạt động một cách thông minh.

Nếu chuyển đổi số sẽ vượt lên, nhưng nếu không chuyển đổi số chắc chắn sẽ bị bỏ lại. Sau đây là 2 ví dụ của quốc tế về thành công và thất bại liên quan đến chuyển đổi số.

Thứ nhất là câu chuyện của Britannica. Britannica là công ty ở Anh với bộ bách khoa toàn thư lâu đời và đồ sộ xuất bản lần đầu vào năm 1771, in thành 32 tập sách lớn. Để không bị gục ngã trong kỷ nguyên số, Britannica đã chuyển đổi số gian truân và mạnh mẽ trong hơn 20 năm. Ngày 12/3/2012 Britannica ngừng phát hành bản in sau 244 năm và chuyển qua các sản phẩm số. Nỗ lực với phiên bản số trên CD-ROM của Britannica đã bị hạ gục bởi bách khoa toàn thư Encarta của Microsoft, cung cấp miễn phí cho khách hàng mua Windows. Rồi khi các CD-ROM phải nhường chỗ cho Web, Britannica lại gặp cạnh tranh khốc liệt của các nguồn tin trực tuyến và miễn phí, gồm Nupedia rồi sau là Wikipedia. Hiểu rằng thói quen của khách hàng đang thay đổi rất nhiều, thay vì bảo vệ mô hình kinh doanh cũ, Britannica đã chuyển sang mô hình thuê bao trực tuyến của bách khoa toàn thư số cùng giáo trình và tài liệu học tập đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng. Trong thay đổi, Britannica luôn kiên trì với giá trị cốt lõi của mình: chất lượng biên tập nội dung và các dịch vụ giáo dục phong phú, và nhờ vậy, hiện nay Britannica kinh doanh “đang có lời hơn mọi thời điểm trước đây”.

Thứ hai là câu chuyện về Kodak. Cái chết của Kodak vào năm 2012 có nguyên nhân do không chịu thay đổi mô hình kinh doanh suốt từ năm 1975 và sự xuất hiện của iPhone cùng những chiếc điện thoại di động có tính năng chụp ảnh. Kodak đã thống trị thị trường phim ảnh trong nhiều thập kỷ nhờ bán rất rẻ các máy ảnh nhỏ gọn đi kèm bán phim cùng thuốc rửa ảnh. Năm 1975, kỹ sư Steve Sasson của Kodak đã phát minh ra chiếc máy ảnh số nhưng các ông chủ của Kodak đã lờ đi do lo sợ phát minh này sẽ khiến người ta không mua phim và thuốc rửa ảnh nữa. Nhưng Kodak không làm máy ảnh số thì sẽ có người khác làm. Sự xuất hiện của Instagram vào năm 2010 là nguyên nhân trực tiếp khiến Kodak phá sản năm 2012. Năm 1999, để có hơn 21,6 tỷ tấm ảnh, khách hàng trên thế giới phải trả cho Kodak 8 tỷ USD. Năm 2013, Instagram có được 21,9 tỷ tấm ảnh mọi người khoe nhau với giá 0 đồng (giá thị trường của Instagram vào năm 2012 khoảng 1 tỷ USD với 12 nhân công). Kodak biến mất do họ đã không chấp nhận số hóa phim ảnh và chuyển đổi số vì sợ quá nhiều thứ để mất.

Tuy nhiên, Kodak không phải là trường hợp duy nhất phá sản vì chuyển đổi số quá chậm.

Theo Oxfam (liên minh tổ chức từ thiện quốc tế tập trung vào xóa đói giảm nghèo toàn cầu) công bố ngày 17/01/2022, tài sản của 10 người đàn ông giàu nhất thế giới tăng hơn gấp đôi, lên 1,5 nghìn tỷ USD, khiến họ giàu gấp 6 lần so với 3,1 tỷ người nghèo nhất thế giới. Đáng chú ý là trong số 10 người giàu nhất thế giới có 8 người đã tạo ra và đứng đầu các tập đoàn công nghệ bao gồm ông chủ của các tập đoàn công nghệ khổng lồ như Tesla, Amazon, Microsoft, Google, Meta, Oracle. Các tập đoàn này đều dựa trên các công nghệ số hiện đại, đều chủ yếu dựa trên khai thác dữ liệu và kết nối, hai đặc điểm tiêu biểu của thời đại hiện nay.

Thực tế này càng cho ta thấy rõ điều lâu nay vẫn được cảnh báo và quan ngại về đặc điểm “người thắng cuộc lấy tất” (the winner takes it all) trong thời đại hiện nay. Những quốc gia đi sau và đang phát triển, các tổ chức kinh tế-xã hội không thể không ý thức sâu sắc về điều này. Khi khoảng cách ngày càng xa, việc đuổi theo để “bằng người” sẽ ngày càng khó.

Như đã nói ở chuyên đề trước, ba yếu tố quyết định thành bại chuyển đổi số là con người, thể chế và công nghệ. Con người là chủ đạo, thể chế phải đi trước và công nghệ là động lực. An toàn an ninh hệ thống trên môi trường mạng là yếu tố bao trùm, đảm bảo sự bền vững của chuyển đổi số.

Một trong những đặc điểm nổi bật giúp chuyển đổi số thành công chính là yếu tố thông minh. Khái niệm thông minh cơ bản được hiểu theo hai nghĩa, một là năng lực thu nhận tri thức (nghĩa của từ intelligence trong tiếng Anh) và hai là năng lực ứng dụng các kiến thức đã thu nhận vào các tình huống thực tế (nghĩa của từ smart trong tiếng Anh). Trong Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và chuyển đổi số, thông minh hoá là làm cho các hoạt động trở nên hợp lý và hiệu quả hơn dựa trên sự thấu hiểu.

Sự thấu hiểu về các hoạt động trên môi trường thực-số có thể được cải thiện rất nhiều nhờ AI với lượng dữ liệu và kết nối ngày càng nhiều. Nhưng làm cho hoạt động hợp lý và hiệu quả lại đang chủ yếu dựa vào năng lực đổi mới sáng tạo của con người. Đại khái là vào lúc này và trong những năm tới, khi việc ứng dụng AI được tập trung để giải quyết các vấn đề cụ thể thì việc nối kết quả của các giải pháp để giải quyết những việc phức tạp hơn lại đang phụ thuộc chủ yếu vào sự sáng tạo của con người. Thông minh hoá trên môi trường thực-số có thể hiểu được tạo ra bởi cặp phạm trù “con người và AI”.

Hiện nay ở ngay trong nước, ta có thể thấy rất nhiều ví dụ về các hoạt động được thông minh hóa. Ví dụ như việc lắp các camera giám sát giao thông có chức năng trí tuệ nhân tạo, cho phép đếm được lưu lượng giao thông và từ đó tự động điều chỉnh thời gian của đèn tín hiệu cho phù hợp theo từng khung thời gian trong ngày nhằm giảm ùn tắc giao thông, ngoài ra, một số camera còn cho phép ghi nhận những hành vi vi phạm giao thông một cách tự động để hỗ trợ xử lý các hành vi vi phạm này.

Tại sao lãnh đạo cao nhất của tổ chức là người quyết định thành bại của chuyển đổi số?

Chuyển đổi số là sự thay đổi tổng thể và toàn diện của tổ chức nên nếu người lãnh đạo không dẫn đầu sự thay đổi thì không ai dám làm. Hơn nữa, chuyển đổi số đòi hỏi sự tham gia của mọi thành viên trong tổ chức nên luôn cần người lãnh đạo phải đi đầu để làm gương.

Thực tế đã cho thấy, chỉ ở đâu người lãnh đạo có nhận thức sâu sắc, có quyết tâm cao, có chiến lược và lộ trình rõ ràng, truyền được cảm hứng và nhiệm vụ đến mọi thành viên cũng như tổ chức thực hiện hiệu quả thì ở đó chuyển đổi số mới có thể thành công.


 

 

Nguồn từ thuathienhue.gov.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thống kê truy cập
Truy cập tổng 5.004
Truy cập hiện tại 12